Tranh sơn mài

Lọc
Làm mới

Màu sắc

Giá

Thương hiệu

Sản phẩm: 0

Không tìm thấy sản phẩm!

Đã tìm rất kỹ mà không thấy sản phẩm nào phù hợp!

Cẩm nang mua sắm tranh sơn mài theo nhu cầu nội thất

Bạn say mê trước vẻ đẹp của tranh sơn mài và đang muốn mua tranh sơn mài trang trí cho không gian sống? Tham khảo bài viết của Space T để hiểu rõ hơn về các dòng tranh sơn mài hiện nay, tiêu chí chọn mua tranh phù hợp và hướng dẫn bảo quản tranh đúng cách. 

1. Phân loại tranh sơn mài

Tranh sơn mài hiện nay chủ yếu được phân loại theo chủ đề, cụ thể:

  • Tranh chủ đề phong thuỷ: là các dòng tranh có chủ đề như: Thuận buồm xuôi gió, Mã đáo thành công, Tứ bình, Cửu ngư vọng nguyệt,…
  • Tranh chủ đề thiên nhiên: cây cỏ, hoa lá, núi đồi,…
  • Tranh chủ đề quê hương: tranh làng quê Việt Nam, đồng lúa,...
  • Tranh chủ đề trừu tượng: các hình khối tam giác, chữ nhật trừu tượng,...
  • Tranh chủ đề thư pháp: câu đối, lời chúc, chữ thư pháp,…

2. Quy trình tạo ra tranh sơn mài

Để tạo ra một bức tranh sơn mài đẹp, hoạ sĩ sẽ thực hiện theo các bước sau:

2.1. Phác thảo bố cục

Hoạ sĩ lên ý tưởng và bố cục bức tranh trên giấy. Việc phác thảo kỹ lưỡng giúp các bước chế tác tranh diễn ra trôi chảy hơn. 

2.2. Phóng lớn phác thảo

Đây là bước chuyển bản phác thảo nhỏ thành bức vẽ có kích thước tương đương bức tranh dự kiến (kích thước vóc). Tiếp đó, hoạ sĩ chỉnh sửa các chi tiết tranh để truyền tải tinh thần của bản phác thảo theo đúng ý đồ mong muốn. 

2.3. Tạo vóc

Đây là quá trình tạo tấm nền cho bức tranh. Quá trình này bao gồm nhiều công đoạn như: xẻ gỗ, gắn, thảo sơn, bó, hom, lót, kẹt, thí, mài.

Bức vóc được hoàn thiện càng kỹ lưỡng thì bức tranh càng bền. Cốt vóc thường làm từ gỗ sồi, tre nứa hoặc gỗ ván, bởi các nguyên liệu này hạn chế mối mọt rất tốt. 

2.4. Lên tranh, đi nét

Từ bản vẽ phóng lớn đúng bằng kích thước tranh, hoạ sĩ tiến hành lên tranh.

Với nghệ thuật sơn mài, các chi tiết cụ thể đẹp nhất sẽ được vẽ ở các lớp đầu tiên. Các thao tác trên vóc gồm các bước theo tuần tự như sau:

  • Cẩn trứng: cẩn vỏ trứng, xà cừ, ốc,…
  • Vẽ nét: vẽ các chi tiết bằng sơn đen.
  • Vẽ màu: dùng sơn ta trộn son hoặc phẩm màu (gồm cả việc xử lý bạc) để vẽ trực tiếp phủ lên lớp cẩn trứng và nét đen trước đó.

2.5. Mài – vẽ

Sau khi hoàn tất tối thiểu 3 lớp màu, xử lý bạc và phủ lớp màu cuối cùng, sau khi tranh khô, hoạ sĩ sẽ đem mài tranh với giấy nhám và nước, các lớp màu và hình sẽ dần hiện ra chi tiết.

Dựa trên cảm nhận, hoạ sĩ quyết định mức độ mài tới đâu là vừa. Độ nhám của giấy nhám cũng giảm dần trong quá trình hoàn tất sản phẩm.

Mài là công đoạn khó nhất trong làm tranh sơn mài. Mài quá tay có thể làm mất lớp sơn, ngược lại, khi mài chưa tới thì bức vẽ không đạt yêu cầu.

Lớp sơn mài được tách ngẫu nhiên, nếu nghệ sĩ không bắt kịp thời điểm cần mài sẽ không bộc lộ được vẻ đẹp trọn vẹn của bức tranh.

2.6. Toát sơn và đánh bóng

Toát sơn là việc phủ đều lớp sơn chín (sơn pha với dầu hoả) lên toàn bộ tranh. Tỷ lệ pha tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của từng hoạ sĩ. Sau đó tranh được ủ chờ khô để bắt đầu đánh bóng.

Đánh bóng là công đoạn cuối cùng để hoàn thành bức tranh sơn mài. Hoạ sĩ thường dùng sợi cotton mềm hoặc bông miết nhanh, mạnh lên mặt tranh để làm bóng. 

Công đoạn này không chỉ đơn thuần làm cho tranh bóng mà còn giúp tạo ra một lượng nhiệt nhỏ qua ma sát khiến các lớp màu tan chảy, quyện vào nhau, giúp cho tranh có độ sáng, độ trong trẻo và độ sâu màu sắc.

3. Cách chọn mua tranh sơn mài phù hợp

Để chọn tranh sơn mài phù hợp với nhu cầu, sau đây là những điểm bạn nên lưu ý:

  • Chọn nội dung tranh phù hợp với không gian treo tranh.
  • Chọn kích thước tranh phù hợp với vị trí treo tranh.
    Nếu không gian khiêm tốn, bạn nên chọn bức tranh nhỏ, tranh khổ dọc hợp với tường ngang nhỏ và dài. Tranh bộ 3-4 bức sẽ hợp với những không gian lớn hơn như phòng khách, sảnh khách sạn, biệt thự,…
  • Màu sắc tranh phù hợp với cách phối màu và phong cách nội thất của không gian.
  • Chọn mua tranh từ các đơn vị sản xuất uy tín.
  • Nên tham khảo giá trước khi quyết định mua tranh. Lưu ý không nên tham những bức tranh giá rẻ bởi bạn có thể mua phải bức tranh chất lượng kém.
  • Nếu có thể, nên nhờ người có kinh nghiệm giúp nhận diện và kiểm tra chất lượng của bức tranh để đảm bảo mua được bức tranh chất lượng.

4. Cách bảo quản, vệ sinh tranh sơn mài

Bên cạnh việc lựa chọn được bức tranh phù hợp, tranh sơn mài cần được vệ sinh, bảo quản đúng cách để giữ được vẻ đẹp cũng như tuổi thọ lâu bền. Sau đây là những điểm bạn nên lưu ý khi sử dụng và bảo quản tranh:

  • Tránh để tranh sơn mài tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hoặc nguồn nhiệt, nguồn ẩm. Ánh nắng mạnh có thể khiến tranh bị biến dạng, bong tróc. Gần nguồn ẩm có thể khiến tranh dễ bị nấm mốc.
  • Nên đặt tranh ở môi trường khô thoáng, nhiệt độ ổn định.
  • Tránh đặt tranh ở khu vực tối tăm, thiếu sáng.
  • Không đặt tranh ở môi trường quá lạnh. Nếu gặp thời tiết lạnh, bạn nên đặt tranh nằm thẳng và bọc bằng vải mỏng, hoặc đặt những vật dụng mềm nhẹ lên tranh để giúp giữ ấm, giảm thiểu việc hư hại tranh.
  • Thường xuyên lau chùi bụi bẩn bám trên tranh. Bạn có thể dùng khăn mềm khô để làm sạch.
  • Không nên tùy tiện dùng hoá chất tẩy rửa hay nước nóng để lau chùi tranh, bạn nên sử dụng các dung dịch vệ sinh chuyên dụng. 
  • Khi lau chùi, lưu ý tránh để đọng nước trên bề mặt tranh, không dùng thao tác chà xát quá mạnh khi lau chùi. Hành động chà xát mạnh có thể khiến bề mặt tranh bị trầy xước.
  • Nên xử lý vết bẩn ngay khi phát hiện, tránh để lâu khiến vết bẩn khó làm sạch hơn. 

Trên đây là những thông tin tổng hợp từ Space T về cẩm nang mua sắm tranh sơn mài theo nhu cầu nội thất. Nếu bạn đang muốn tìm mua tranh sơn mài để trang trí cho không gian sống, đừng quên truy cập Shop Nội thất của Space T để tham khảo và dễ dàng lựa chọn hơn nhé.